Đăng bởi: trangque | Tháng Năm 19, 2011

Báo động nạn đạo thơ trên mạng xã hội:

Báo động nạn đạo thơ trên mạng xã hội:
Nghệ thuật tuyệt đối không bao giờ là sự sao chép
Thảo Anh
Tác giả Nguyệt Vũ vừa gửi đến Văn nghệ Trẻ ý kiến ngắn về một hiện tượng đạo thơ của một tác giả trẻ đang diễn ra công khai trên mạng. Nội dung ý kiến như sau:
“Chưa hết kinh hoàng về vụ đạo văn động trời của Lê Thủy ở Dăknông làm nóng văn trường và báo mạng những ngày gần đây ghé đọc blog của Jasmin ( Nguyễn Thu Hà) tôi lại đọc được bài viết Gọi là gì? Dù Thu Hà đã tế nhị không “ chỉ mặt vạch tên” nhưng tôi đau đớn nhận ra ngay đó là em: Hoàng Yến Anh, một cô gái còn khá trẻ đang làm việc tại Đức.
Em từng tâm sự đã ngồi lì trong blog của tôi đến hai giờ sáng rồi ngủ gục bên máy vi tính. Có lần nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nói: “Bây giờ tìm được người chịu ngồi đọc thơ của mình đã quý lắm rồi, đọc mà còn phổ nhạc thì quả là hiếm hoi” vì vậy tôi cũng quý em vì sự “đồng cảm” đến ghê sợ là hầu như tôi có bài nào thì em cũng có bài có tên gần như vậy.
Ngày về nước, như một bạn trở về từ nước ngoài như Thành An ( Canada ), Đồng Trung Kiên ( Pháp), Đặng Hà My (Đức), em muốn gặp tôi và tôi vui vẻ nhận lời. Sau đó ít lâu cậu em trai Yến Anh mang tận nhà tặng tôi tập thơ đầu tay của em Hương Tình yêu (NXB Thanh niên 2009). Mới chỉ lướt qua tôi đã thấy sự nhang nhác ở đâu đó, có khi cả câu thơ, có khi là bối cảnh hoặc tứ thơ của mình. Ví dụ trong bài Ghen tôi viết “Đã biết rằng em ghen/ Sao anh đa tình thế” thì bài Giận và ghen em viết “Đã biết em hay ghen/ Sao anh đa tình thế” hoặc tôi có bài Đêm thì em có bài Phác thảo đêm. Tôi có nói với em rằng, em không nên viết giống một ai đó rồi dễ dàng bỏ qua. Sau này có vài lần vào blog của em, tôi có đọc những bài thơ na ná thơ mình một cách khó hiểu như bài Lâu lắm rồi tôi đã nhắc em: “ Nếu em muốn trở thành người làm thơ, em phải viết bằng ngôn từ của mình, tứ thơ của mình” nhưng rất tiếc những comment kiểu đó của tôi đã bị xóa. Có lần tôi còn bảo tốt nhất em đừng đọc blog của chị nữa để em viết độc lập hơn”. Người làm thơ trên blog có người đọc đã may mà tôi phải nói thế, chắc em hiểu.
Bẵng đi một thời gian tôi không vào blog của em, sau khi đọc bài viết của Jasmin, ngờ ngợ đó là em tôi mới tìm đọc blog của Yến Anh thì giật mình khi em đã có tới ba tập thơ đã xuất bản và một tập truyện ngắn sắp xuất bản. Trời quả viết thế thì quả là thần đồng. Tôi về đọc lại Hương tình yêu của em. Cả một tập thơ là một sự nhào nặn lộn xộn, thoảng qua đâu đó có những câu, tứ lạ xen lẫn với nhưng câu viết ngô nghê mà đọc lên chả hiểu gì “ Em thở dài trong tiếng khẽ giữa niềm đau” tôi chọn một câu có vẻ thơ nhất “Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe em!” vào google để tra thì ra đây là câu thơ của ai đó các bạn trẻ tung đầy lên mạng trong một dịp lễ vu lan năm nào”.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ cũng đã tìm đến với trang cá nhâu của bloger Jasmin (tức tác giả Thu Hà) – người đã được tác giả Nguyệt Vũ đề cập đến trong ý kiến trên. Trên trang blog của mình, tác giả Thu Hà kể lại: “Năm ngoái cũng khoảng thời gian này hoặc sớm hơn một vài tuần, tôi có gửi tặng em đó (tức Hoàng Yến Anh) tập thơ của tôi mới in ở VN. Khi nhận được thơ của tôi, em gửi lời nhắn cám ơn tôi. Sau đó một vài ngày hay một tuần, tôi không nhớ rõ, tôi vào trang em đọc thấy luôn bài thơ mới của em. Đọc lần đầu tôi đã thấy nhiều câu, từ giống của tôi quá, nhưng tôi nghĩ, làm thơ hay viết văn có nhiều từ giống và trùng lắm, nên không để ý, tôi đọc đến khổ cuối của bài thơ thì không thể nghĩ là câu, từ giống nhiều đến thế.
Cách đây 2 tuần nhận được tin em nhắn : Chị cho em địa chỉ để em gửi tặng chị tập thơ em mới in. Tôi cũng vui vẻ gửi địa chỉ cho em, thật ra tôi quên chuyện bài thơ rồi, vì tôi không có nhiều thời gian vào mạng cũng như không muốn phiền toái đến ai.Nhưng khi nhận được tập thơ em gửi, tôi thấy em in cả bài có nhiều câu, chữ giống thơ tôi nhưng em có ghi chú hoa thị và đề “Ý thơ Jasmin”.Tôi không còn gì để nói nữa. Nếu trong blog em cũng đề như vậy thì có lẽ không ai nhầm cả. Nhưng đọc cả tập thơ tôi mới giật mình và phát hiện ra còn nhiều bài thơ của em in trong tập đó vẫn còn nhiều câu, chữ của thơ tôi. Tôi lấy tập thơ tôi đã tặng cho em và tập thơ mới của em ra, tôi gạch chân những câu, từ mà em đã dùng rồi đảo mỗi bài mấy câu. Tôi choáng vì sự viết lách như em mà cũng in cả mấy tập thơ rồi…
Có người bạn hỏi tôi: Nếu thích thơ của ai đó mình lấy về trang mình thì đề là sưu tầm hay đề tên tác giả, nhưng trường hợp họ không lấy cả bài mà chỉ đảo vài từ rồi ghép bài nọ vào bài kia thì phải “GỌI LÀ GÌ”?”
Khi thông tin về việc đạo thơ của Hoàng Yến Anh được các tác giả bị Hoàng Yến Anh đạo thơ chuyển tới Văn nghệ Trẻ thì chúng tôi cũng được biết trên cộng đồng mạng nhiều ngày qua, rất đông các bloger đã bày tỏ sự bức xúc. Đa số các ý kiến cho rằng, nếu Hoàng Yến Anh chỉ làm thơ đăng trên blog cho vui thì sự việc không quá nghiêm trọng, nhưng việc tác giả trẻ này cóp nhặt câu chữ, đạo thơ của người khác để đăng báo, in sách là điều khó có thể chấp nhận được.
Sức ép từ cộng đồng mạng khá lớp, nên tác giả Hoàng Yến Anh đã buộc phải lên tiếng trên trang web cá nhân của mình như sau:
“Gửi những người bạn của tôi
Trước khi viết bài viết này tôi đã đắn đo rất nhiều và thực sự thì tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Thời gian qua tôi có nhận được một số phản hồi liên quan đến việc “đạo thơ” qua một bài viết của một người bạn. Dù trong bài viết không nhắc tới tên tôi song những những thông tin đưa ra khiến những ai từng đọc thơ , từng hiểu và yêu thương tôi đều dễ dàng nhận ra nhân vật được nhắc đến trong bài viết. Sau khi đọc xong bài viết đó, bản thân tôi thực sự rất bàng hoàng. Từ trước đến nay tôi luôn nghĩ “đạo thơ” tức là ai đó bê nguyên cả một bài thơ hoặc cả khổ thơ của người khác về nhà họ rồi đề tên họ là tác giả, chứ tôi không nghĩ đến việc “mượn” một số câu từ cũng bị gọi là…“đạo thơ”.
Ngay sau khi đọc bài viết đó xong tôi đã gửi email xin lỗi chị Jasmin (Trần Thu Hà) bởi trong một số bài thơ của mình, tôi đã “mượn” một số câu, từ của chị mà không đề nguồn. Ví dụ trong bài “Mùi hương nhớ” của chị Jasmin có câu: “Anh đi rồi. Hoàng hôn thôi không hát” thì trong bài “Đợi” của tôi có câu: “Anh đi rồi. Em thôi đếm những ước mơ”, hay trong bài “Khát” của chị Jasmin có câu: “Dắt nụ cười lạc lối bơ vơ” thì bài “Rót” của tôi có viết: “Hứng những đợi chờ lạc lối bước bơ vơ”. Bài “Viết cho anh ” của chị có câu: “Khắc khoải đợi chờ sẽ tan biến trong em” thì bài “Hơi thở đượm tình anh” của tôi có viết: “Khắc khoải đợi chờ hơi thở đượm tình anh” và còn một số bài khác nữa tôi đã mượn và đảo một số câu, từ của chị mà không ghi chú. Tôi đã từng đọc thơ chị Jasmin và đồng cảm với những vần thơ của chị, có lẽ việc “đọc đi đọc lại” hoài những bài thơ của ai đó đã khiến tôi vô tình bị nhiễm chất thơ đó mà bản thân mình không hề biết, để rồi khi làm thơ, lúc bí từ người ta dễ dàng mượn lại một số từ của ai đó khác mà không ý thức được việc mình đang làm.
Hơn một năm về trước tôi từng tâm sự với chị Jasmin rằng: “Đôi khi em đọc thơ ai đó, chỉ cần một câu thơ nào đó của họ khiến em ấn tượng và đúng với cảm xúc của em lúc đó là tự dưng các ý tưởng khác nó nhảy múa trước mắt mình và em có cảm hứng để viết. Thơ chị có nhiều bài hay, có nhiều câu em rất thích nên nhiều khi em cũng không biết mình đã “ăn cắp” ý tưởng đó bao nhiêu phần trăm nữa”.
Nhưng có lẽ việc “mượn từ” thái quá của tôi đã vô tình làm tổn thương đến chị mà tôi không hay, bởi thế nên tôi đã viết thư xin lỗi chị. Lẽ ra tôi phải đánh dấu con chữ của chị và đề ghi chú cẩn thận phía dưới, nhưng lúc đó có thể tôi quên hoặc có thể tôi nông nổi nghĩ rằng việc mượn một vài từ có lẽ cũng chẳng sao. Bạn tôi từng nói rằng bạn nể phục khả năng viết dồi dào của tôi trong suốt thời gian qua, kể cả việc “xào” lại những câu từ hay trong thơ của người khác cũng đã là “quá tài”. Tôi không hề cho rằng việc “mượn chữ” của người khác để vận vào thơ mình trong lúc… bí từ là một nghệ thuật ghép chữ thành công, nhưng có lẽ không phải ai mượn một vài câu từ trong ý thơ của người khác cũng có thể viết được một bài thơ hoàn chỉnh. Nếu như không có những cảm xúc thật thì có mượn hàng trăm lời hay, ý đẹp của người khác, tôi cũng chẳng thể nào viết được một bài thơ đi vào lòng độc giả để tìm được nhiều sự đồng cảm đến thế…
Tôi đã từng quyết định sẽ im lặng để mọi chuyện tự đến và tự đi, nhưng rồi tôi đã nghĩ lại: “Sự im lặng không đồng nghĩa với lời xin lỗi chân thành của một người có lòng tự trọng, dũng cảm, dám (lỡ) làm, dám (lỡ) chịu”. Bởi thế nên tôi viết entry này ở đây như một lời xin lỗi gửi tới chị Jasmin (Trần Thu Hà) và những ai “bị” tôi mượn một số ý, một số câu, một số từ mà đã vô tình quên không để nguồn tác giả. Có lẽ tôi đã làm chị Trần Thu Hà (cùng những tác giả khác) và thậm chí những bạn đọc của mình bị tổn thương vì cảm giác… bị lừa gạt dù tôi hoàn toàn không cố ý. Tôi đã sai, tôi xin nhận về mình những lỗi lầm đó và sẽ cố gắng cẩn trọng, ý thức hơn về những việc tương tự trong đoạn đường phía trước.”
*
Thái độ thành khẩn nhận lỗi của tác giả trẻ Hoàng Yến Anh là điều đáng khen. Tuy nhiên, cũng trong lá thư nhận lỗi của mình, Hoàng Yến Anh cũng bộc lộ những ý hiểu chưa thật đầy đủ về ranh giới giữa đạo văn và sự ảnh hưởng sáng tạo từ người khác.
Chúng tôi mong rằng đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh với các tác giả, nhất là những bạn trẻ bắt đầu thử sức với văn chương. Hãy viết bằng cảm xúc và sự sáng tạo của riêng mình. Nghệ thuật tuyệt đối không bao giờ là sự sao chép.
Bài đã đăng trên Văn nghệ Trẻ số 20/2011
P/S Trước hết Nguyệt VŨ xin cảm ơn các bạn đã quan tâm đế vụ đạo thơ ( hay ” mượn” thơ của Hoàng Yến Anh. Để khách quan Nguyệt Vũ đà gưỉ thư đến Báo Văn Nghệ Trẻ và báo đã đăng bài viết của Thảo Anh trên đây.
Nguyệt Vũ cũng định không nhắc lại vấn đề này nữa trên blog của mình nhưng khi vào nhà Jasmin để xin lỗi việc nhầm họ của Thu Hà trên báo tôi lại thấy những bài viết của Hoàng Yến Anh trên trang web của cô ấy.

Để rông đường dư luận và có thông tin hai chiều cho bạn đọc Nguyệt Vũ xin gửi những đường link liên quan đến vấn đề này và xin miễn bình luận:
Thư trả lời báo Văn Nghệ Trẻ
Những tâm sự để ngỏ
Những câu thơ đọc sởn da gà ( blog Ngọc Mai)


Trả lời

  1. http://www.vietnamairlines.com/wps/portal/vn/site/book_your_trip

  2. Nụ hôn trên biển
    Chàng trai chài có nước da ngăm
    giữa biển
    đêm trăng
    có nàng tiên cá
    Môi ngọt thơm run lên
    sóng lạ
    Gương mặt hiền cúi xuống
    Nụ hôn
    Biển mặn hơn
    môi mặn thơm hơn
    Trên cánh tay anh
    phập phồng sóng ngực
    những ngôi sao xa ngàn năm thao thức
    Em bồng bềnh
    li ti sóng
    vàng trăng.
    Rung lên cung đàn
    ngân mãi trong tim
    nỗi buồn nhẹ trôi theo làn sóng biển
    Môi kề môi
    vòng tay yêu mến
    Anh gụi gần
    giữa thế giới
    bao la.
    Dẫu mai này mình phải cách xa
    con tim anh vẫn thì thầm bên tim em như thế
    vồng ngực căng
    cánh tay trần vạm vỡ
    trăng biển dập dềnh
    sóng lấp lóa
    khỏa thân.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục