Đăng bởi: trangque | Tháng Chín 20, 2011

NGUYỆT VŨ VỚI THƠ TÌNH

NGUYỆT VŨ VỚI THƠ TÌNH

(Đọc “Người tình trong mơ”
của Nguyệt Vũ-NXB Văn học – Hà Nội – 2011)
Đặng Hà My
“Người tình trong mơ” là tập thơ phong phú và đa dạng về thi pháp của Nguyệt Vũ. Theo cách của người phê bình văn học, tôi tạm chia tập thơ thành hai mảng cảm xúc tương đối độc lập: Các dạng thái của tình yêu và tình yêu đỉnh điểm.
1. Đối với các dạng thái tình yêu, tương tự như các nhà thơ khác, tuy với sắc thái riêng, Nguyệt Vũ thể hiện thật đầy đủ và sâu sắc. Trước hết, đó là nỗi nhớ tình, mà nhà thơ phải nhờ đến thiên thiên-vũ trụ giải tỏa giúp mình: « Này, gửi vào trong gió chút nồng nàn men môi/Này, gửi vào mây trời hương thơm xuân … mềm ấm/Này, gửi vào tiếng sấm rằng em, em yêu anh/Ơi ngọn gió mát lành/Gửi anh cho em nhé! » (Lời hoa cỏ). Nhớ tình được vật chất hóa thành sợi – thứ sợi làm bằng anh, làm bằng em…, bằng hơi thở/ Vòng tay anh đắp giấc em nồng (Sợi nhớ)… Với nguyệt Vũ, nhớ tình như thế, thì dĩ nhiên dẫn đến :
Có những lúc nhớ
tưởng chừng không sống nổi
Đứng lại ngồi lệ đắng tràn mi.
(Mặn)
Tình nhớ là vậy, nên tất yếu dẫn đến tình nồng. Với cảm xúc thi ca cùng thi từ – thi ngữ, Nguyệt Vũ đưa người đọc vào trạng thái của tình yêu nồng nàn. Thơ thuộc dạng này chiếm số lượng bài khá lớn trong tập. Có lẽ “Người tình trong mơ” là bài thơ bao chứa nhiều khía cạnh của tình yêu, rõ rệt nhất là tình nồng. Có lẽ vì thế mà nữ thi nhân lấy tên bài này đặt tên cho cả tập thơ. Không cần phân tích nhiều, chỉ xin trích ra đây vài đoạn của bài thơ ấy:
“Quyến rũ anh bằng mắt, bằng môi/ánh mắt nâu nói lời im lặng/bờ môi dịu dàng đam mê nóng bỏng …Người tình ơi/làn da mềm mại/khát mơn man/Ánh mắt ngất ngây/mùi thơm thân thể/hoahồng đêm hoang dại/vòng tay êm ái/mềm và thít chặt
sức mạnh của trăn rừng… (Người tình trong mơ).
Cao hơn tình nồng, bài thơ này có thể được coi là thể hiện của cảm xúc đỉnh điểm tình yêu- điều sẽ được trình bày ở phần dưới của bài giới thiệu này.
Một trạng thái không hiếm thấy trong tình yêu là níu tình, nghĩa là sự níu giữ tình yêu sắp mất, thường là từ phía các cô gái, bởi họ luôn cầu mong cho tình yêu trong trạng trạng thái an bình, mà nhà thơ Nguyệt Vũ phát biểu thay họ :
Anh hãy về với em
Dẫu đôi môi xưa không còn hồng xinh nữa
Đêm không nồng nàn như lửa
Vòng tay ôm lơ đễnh tháng năm dài…

Trong đêm của anh
em biết
Những ngao du phiêu lãng phía xa mờ

Em nép mình vào mỗi câu thơ
(Hãy về với em)

Hay:
Phút hững hờ
lửa cháy trong tim
Hạnh phúc nổi chìm
mong manh gió thoảng

Bỗng chốc lại giật mình
hốt hoảng:
– Đâu rồi
anh của em?
(Hạnh phúc)
Ngoài ra, còn tìm thấy gì nữa xung quanh chữ tình trong thơ Nguyệt Vũ ? Còn đấy, trong thơ tình của nữ thi nhân còn có bén tình, hờn tình, chờ tình, khát tình, sùng tình, thất tình… dẫu là chưa rõ nét bởi ở một tập thơ mỏng mảnh này. Rộng đường dư luận, xin mời bạn đọc cảm nhận các dạng tình của nữ thi nhân.

2. Ở phần trên, khi nói về tình nồng, qua bài thơ « Người tình trong mơ », như đã tiếp cận với tình yêu điểm đỉnh. Tình yêu điểm đỉnh là từ giao lưu, gặp gỡ tâm hồn phát triển, dẫn tới sự gần gũi, tiếp xúc thân thể của đôi tình nhân, đó là tình dục, để đạt tới tình yêu thăng hoa. Sẽ không có tình yêu hoàn chỉnh nếu chỉ có giao lưu, gặp gỡ tâm hồn mà không có gần gũi, tiếp xúc thân thể – tình dục ; và ngược lại, nếu chỉ có gần gũi, tiếp xúc – tình dục mà không có sự giao lưu, gặp gỡ tâm hồn, thì đó chỉ là sự cưỡng bức, chiếm đoạt thân thể, không hơn không kém, dù ở bất cứ hình thức nào. Sự đồng điệu của hai yếu tố ấy bổ sung cho nhau, không thể thiếu trong tình yêu.
Về sự gần gũi, tiếp xúc thân thể- tình dục có nhiều cách diễn đạt khác nhau theo mức độ khác nhau, kể cả theo quan niệm hay cách thức nào đó của ngôn từ, như « tình yêu sinh học », « phồn thực », « tình dục » (sexy)…
Bản chất tình yêu như đã được trình bày trên đây, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình dục bị tách khỏi tình yêu, thậm chí, bị coi như điều cấm kỵ. Là hình thức phản ánh hiện thực khách quan, văn chương xưa nay cũng đã đề cập về tình dục, nhưng cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên chỉ đề cập dè dặt với quan niệm «văn chương không nên đi vào chuyện dung dục ấy (?!)» … Và, nếu văn chương nói đến chuyện ấy, thì « phải nói một cách thanh tao, kín đáo ( ?!) ».
Trở lại với thơ tình Nguyệt Vũ, thấy rằng nhà thơ đã nói đến sự phát triển tình yêu đạt tới độ thăng hoa. Còn có « thanh tao, kín đáo » hay không thì bạn đọc thẩm bình ! Mà « thanh tao, kín đáo » là thế nào kia chứ ? Một cụm từ còn chưa giải mã!
Thì đây, thơ tình Nguyệt Vũ thường đề cập đến là ánh mắt, cặp môi, bộ ngực, vòng tay, chiếc mông… – những phần cơ thể hấp dẫn tình yêu của các cặp bạn tình, và rồi, dẫn đến tất yếu sự gần gũi, tiếp xúc những phần cơ thể ấy của đôi bạn tình, như là đương nhiên :
Môi anh như chén rượu
Em uống…
say
đứ đừ.
Trong vòng tay
… ứ hự
Đất trời xoay bung biêng…
(Yêu)
Hay :
Gái bén hơi trai ngực căng, mông mẩy
Tươi mới từng ngày
thần dược
tình yêu
(Đêm Valentine)

Hoặc :
Anh chinh phục em như chinh phục đỉnh cao Everest
đê mê trên từng cen-ti-met
Trái tim cồn cào bóp nghẹt
thân lả đi trong say đắm ngọt ngào.

Đêm ảo huyền lấp lánh mưa sao
hai kẻ mộng du trong vườn địa đàng …
(Căn phòng mùi thơm hoa hồng)

Và nữa :
Quyến rũ anh bằng mắt, bằng môi
ánh mắt nâu nói lời im lặng
bờ môi dịu dàng đam mê nóng bỏng
yêu như say
và dữ dội hờn ghen
(Người tình trong mơ)
Chưa hết :
Người tình ơi
trên khắp thế gian
từ thủa hồng hoang
bầu ngực là men đê mê hạnh phúc
(Người tình trong mơ)

Từ những đoạn thơ trích trên đây, người đọc tự ngẫm ra rằng, đôi bạn tình còn… đi xa hơn nữa, để đạt tới điểm đỉnh tình yêu. Đó là những gì vốn có, đang có và sẽ còn mãi mãi có trong tình yêu ! Gọi nó là gì ? Tình yêu sinh học, phồn thực, hay tình dục ? Tùy! Nó vẫn là nó, vậy thôi !

*
* *
Để kết thúc, xin có đôi lời về nghệ thuật thể hiện của « Người tình trong mơ ». Trước hết, đó là ý tưởng thơ rất tập trung về tình yêu – ngay cả những bài có vẻ nói về chủ đề khác, cũng chỉ để nói tình yêu mà thôi! Thi từ-thi ngữ mạnh bạo, nhưng chọn lọc. Thể thơ chủ yếu là thơ tự do có âm điệu, một số bài thuộc thể thơ ba chữ, năm chữ, bảy chữ có cách tân. Đáng chú ý là có một số bài thơ lục bát rất nhuần nhuyễn, mượt mà như các bài :
« Hớp hồn », « Hóa đá », « Cứ yêu »…
Chúc mừng và cảm ơn nhà thơ Nguyệt Vũ về tập thơ tình « Người tình trong mơ » và mong được đọc các tập thơ khác tiếp theo của chị.

Germany Đ.H.M


Trả lời

  1. Em ơi!…những tác phẩm mới em gởi cho anh với nha…
    Anh
    Nguyễn Thủy

    • Anh nhắn lại địa chỉ em sẽ gửi ạ. Chúc anh vui khỏe

      • Nguyễn Thủy: Giáo viên trường Tiểu học Quế Phong,Huyện Quế Sơn,Tỉnh Quảng Nam. Anh cảm ơn em nhiều nha.
        Thân mến
        Anh
        Nguyễn Thủy

      • Em vua gui tang anh hai tap sach:
        Suong trang Bach duong
        Nguoi tinh trong mo
        Mong anh doc va chia se voi ban doc Quang Nam anh nhe
        Chuc anh vui


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục